Cảm nhận qua hai bài thi đoạt giải nhất

Cảm nhận qua hai bài thi đoạt giải nhất

Cuộc thi Prudential - Văn hay chữ tốt năm 2015 tại TPHCM

Cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt” lần thứ 16 năm 2015 do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức đã trao giải tại TPHCM. 28 thí sinh xuất sắc nhất vượt qua ba vòng thi cấp trường, quận (huyện), thành phố để giành chiến thắng vinh quang trong lần thi này. Chúng tôi ghi lại cảm nhận qua hai bài viết của thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi…

Em Nguyễn Đức Minh Thư, học sinh Trường THCS Hoa Lư (quận 9), đoạt giải nhất khối 8-9 và em Trịnh Ngọc Mỹ, học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (quận 1), đoạt giải nhất khối 6-7 Cuộc thi Prudential - Văn hay chữ tốt năm 2015. Ảnh: MAI HẢI

Viết cho thỏa tuổi thơ…

Chủ đề của cuộc thi xuyên suốt trong các năm qua là viết về tình yêu gia đình, người thân, quê hương, đất nước… Đề thi năm nay được ra theo dạng đề "mở" cho cả hai khối thi: quan sát từ thực tế cuộc sống sinh động trên đường phố, công viên mà thí sinh ghi nhận được để viết một bài văn với nhan đề "những khoảnh khắc đáng nhớ" (đề khối 6-7) và bàn luận về vấn đề "học từ cuộc sống" (đề khối 8-9)…

Trong phần giao lưu với thí sinh Trịnh Ngọc Mỹ, học sinh lớp 7A9 Trường THCS Lương Thế Vinh (quận 1) giải nhất khối 6-7, ban tổ chức nhận xét: "Em có chữ viết thật đẹp. Nét chữ ngay thẳng, nền nã, trông thật cứng cáp. Nếu không nói ra thì không ai có thể ngờ đó là chữ viết của một học sinh lớp 7. Đã vậy, cách hành văn của em cũng thật lạ. Hãy nghe Trịnh Ngọc Mỹ trải lòng qua bài viết của mình: “Lăng kính màu hồng - Lăng kính tình yêu mãi thiêng liêng, bất diệt. Lăng kính với bao kỷ niệm tình bạn bè, sóng gió tình chồng vợ, ấm áp tình mẹ con… Lăng kính mở ra ở tim tôi một bà mẹ địu con, cực nhọc bán từng món hàng dăm ba xu nuôi con khỏe mạnh.

Lăng kính màu trắng - Màu trắng trẻ thơ, tinh khôi, bộc bạch. Màu trắng thánh thiện, sáng tươi qua nụ cười, dòng chữ. Sáng nay, tôi đã thấy qua lăng kính này, một trăm bốn mươi tư bạn nhỏ khoác ba lô, cầm sổ trên tay, tự tin sải bước mới, bước chân đầu đời cảm nhận, lắng lặng trong tim ý văn vần thơ, rồi yêu thêm tiếng nói dân tộc…”

Thí sinh đơn vị quận 4 ghi chép lúc đi thực tế trong công viên 23-9 trước giờ thi.  Ảnh: MAI HẢI

Từ việc trải nghiệm qua chuyến đi thực tế 45 phút ở công viên 23-9, em đã hệ thống lại những điều tai nghe mắt thấy, rồi “triết lý” về cuộc đời qua từng sắc màu lăng kính. Quan sát từng mảng tối, sáng của cuộc sống, em có cách lý giải riêng theo quan niệm của mình. “Màu hồng” yêu thương, “màu trắng” tinh khôi, thánh thiện… Rồi như cao trào của cảm xúc, em nâng vút lên: “Lăng kính màu đỏ - Màu cờ Tổ quốc luôn giương cao kiêu hãnh, màu khăn quàng đội viên luôn phấp phới trên vai. Cái màu đáng tự hào khi nhắc về đất Việt! Tôi thấy chiếc áo cờ đỏ sao vàng trên người các thanh niên tình nguyện, tôi thấy khăn quàng đỏ thắm mỉm cười nơi vai trẻ thơ…”.

Tình cảm với màu cờ Tổ quốc, màu khăn quàng đỏ mà em mang trên vai mỗi ngày đến lớp là tình yêu đáng quý, chân thật của một thiếu niên còn tuổi ăn, tuổi học khi nghĩ về đất nước! Xúc động hơn, khi cô bé 12 tuổi không ngần ngại bày tỏ khát khao của riêng mình: “Cái khoảnh khắc cuối cùng tôi cảm thấy sáng hôm nay, có lẽ là cái khoảnh khắc tôi ngồi viết thế này. Tôi muốn viết, viết cho thỏa được tuổi thơ, viết như chưa hề được viết. Viết cho cuộc sống tươi đẹp thêm! Cảm ơn văn học, cảm ơn tình người. Tôi chắc chắn rằng những kỷ niệm, khoảnh khắc tôi có lúc này sẽ dần phai mờ theo năm tháng nhưng vẫn vấn vương ở tôi một thời  thơ ấu  ngày nào…”

Bài học từ cuộc sống

Đề bài dành cho khối lớp 8-9 viết: “Đôi khi những điều tình cờ ta bắt gặp trên đường lại gợi lên bao bài học thật sâu sắc: Cánh chuồn chuồn căng mình bay trong mưa, một chồi non mới nhú từ cội cây già bên đường cho ta biết thiên nhiên kỳ diệu và tươi đẹp biết bao. Người đi bộ thong thả trên hè phố, qua những quầy hàng quen, tươi rói nụ cười chào nhau cho ta biết có một Sài Gòn bình yên và thân thiện. Đứa bé nắm chặt tay mẹ, miệng ríu rít một điều gì không rõ, đôi mắt nhỏ ngời sáng cho ta biết hạnh phúc có thể đến từ những điều thật giản dị… Từ những gợi ý trên và những điều đã quan sát, trải nghiệm sáng nay, em hãy viết bài văn bàn luận về vấn đề học từ cuộc sống”.

Với óc quan sát thực tế sâu sắc, lý lẽ “như người lớn”, bài viết của em Nguyễn Đức Minh Thư, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Hoa Lư, quận 9 đã thuyết phục cả hội đồng giám khảo cuộc thi với số điểm 18,5 và giành giải nhất khối 8-9. Hãy cùng cảm nhận những câu từ và ý nghĩ thật hay trong phần mở đầu bài viết của em: “Sau cơn mưa, ánh dương dần ló dạng, cỏ cây hoa lá reo vui, chim lại tiếp tục tung cánh trên bầu trời. Ta hiểu rằng, sau khi ta vượt qua cơn mưa của chính cuộc đời mình, ta lại có thể vững vàng tiến bước về phía trước". Và em cho rằng, đó là cảm xúc thật của bản thân về cuộc đời, về nghị lực biết vươn tới của mỗi con người.

Rồi em dẫn dắt người đọc: “Giữa đường phố đang nắng gay gắt, một người mẹ ôm chặt đứa con của mình vào lòng, để con có thể bình yên trong vòng ôm của mẹ mà tránh cái nắng oi ả; hai mẹ con tiếp tục chờ chuyến xe buýt; con tranh thủ chợp mắt, còn mẹ thì vội vàng lau những giọt mồ hôi trên gò má. Ta hiểu rằng, tình yêu thương của mẹ là vô bờ bến, sự hi sinh của mẹ là vô điều kiện”… Triết lý về lẽ sống của đời mình, rồi mở rộng cảm xúc hòa vào dòng đời, chảy vào những hoàn cảnh, con người cụ thể để mở chìa khóa cho yêu cầu của đề bài: “Dòng đời tiếp diễn, cuộc sống tiếp diễn, biết bao bài học ý nghĩa đang chờ ta khám phá. Học từ cuộc sống”. Cách nghị luận như thế thật tuyệt vời - nhất là đối với trình độ của một học sinh lớp 9. Và cũng thật thuyết phục khi người đọc được tiếp cận bài viết, được cảm xúc những điều rất thật như của chính mình: “Khi ta quan sát, khi ta lắng nghe, khi ta cảm nhận cuộc sống bằng trái tim và nhận ra những thông điệp, những bài học ý nghĩa là ta đã học được từ cuộc sống... Như khi ta thấy một đứa bé nắm chặt tay mẹ, ánh mắt đứa bé ngời sáng, còn đôi môi người mẹ mỉm cười, ta hiểu được rằng hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc là khi ta có bố mẹ, có gia đình…”

Và, xin mượn đoạn kết bài viết của thí sinh đoạt giải nhất khối 8-9, cũng là để kết thúc bài cảm nhận này: “Bạn thử lắng nghe, thử quan sát và cảm nhận. Cuộc sống đang nhắn gửi những bài học, thông điệp cho bạn đấy, bạn biết không? Học từ cuộc sống”…

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục